Tại thời điểm này, ngành dầu khí Việt Nam đã và đang tiếp nhận chuyển giao, áp dụng và làm chủ hàng loạt công nghệ hiện đại nhất của thế giới vào các lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò khai thác và chế biến dầu khí.
Thăm dò và khai thác dầu khí bằng công nghệ tiên tiến
Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, ngành dầu khí Việt Nam đang sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, kể cả các ứng dụng mới nhất của công nghệ tin học, như các phần mềm xử lý và minh giải số liệu, tài liệu địa vật lý, mô hình hóa và mô phỏng mỏ, thiết kế khai thác, công nghệ khai thác dầu trong đá, móng. Hàng loạt các phần mềm chuyên dụng, tiên tiến của thế giới đã được đưa vào sử dụng thông qua mua bản quyền hoặc hợp tác liên doanh, liên kết cùng có lợi như: phần mềm xử lý tài liệu địa chấn ProMax, minh giải địa chấn của GeoQuest và Landmark, mô phỏng mỏ của GeoQuest (Eclipse), của CMG (IMEX, GEM, STARS), phần mềm cho khoan Drilling Office; các phần mềm minh giải tài liệu địa vật lý giếng khoan: Elan Plus...
Công nghệ điều khiển tự động trong khoan và khai thác cũng được áp dụng rộng rãi như: công nghệ khoan ngang, khoan thân giếng nhỏ, vận hành giếng khai thác tự động trên các giàn nhẹ, vận hành các đầu giếng ngầm trong khai thác... Công nghệ sinh học và hóa học đã và đang được áp dụng để nâng cao hệ số thu hồi dầu ở các mỏ như: Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng... Trong phân tích thí nghiệm phục vụ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, công nghệ tin học đã nhanh chóng được sử dụng làm tăng độ chính xác của kết quả, tiết kiệm thời gian phân tích ở tất cả các loại mẫu: cổ sinh, thạch học, địa hóa, cơ lý đá...
Ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển kinh doanh
Theo Tiến sĩ Vũ Văn Viện (Ban Khoa học - Công nghệ, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam): “Trong lĩnh vực hóa – chế biến dầu khí, mặc dù mới chỉ được bắt đầu trong vòng hơn 20 năm nay, nhưng một loạt công nghệ mới của các nhà bản quyền lớn trên thế giới như UOP, Merichem, ABB (Mỹ), Axens (trước đây là IFP của Pháp), Snamprogetti (I-ta-li-a), Haldor & Topsoe (Đan Mạch)... đã được sử dụng và chuyển giao công nghệ thành công. Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực hóa - chế biến dầu khí đã phục vụ có hiệu quả cho công tác lập đề án xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu số 2 (Nghi Sơn, Thanh Hóa) và Nhà máy lọc hóa dầu số 3; các dự án sử dụng khí đồng hành và khí thiên nhiên phục vụ cho các nhà máy điện chạy bằng tua-bin khí, nhà máy khí hóa lỏng (LPG), sản xuất dầu nhờn...”.
Từ kết quả nghiên cứu sử dụng các nguyên liệu địa phương để phục vụ ngành dầu khí, Tổng công ty Cổ phần Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (DMC) đã hoàn thiện công nghệ sản xuất sét bột bentonit và barit đạt tiêu chuẩn API để phục vụ cho các giếng khoan của Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro và các công ty dầu khí nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam và xuất khẩu ra nước ngoài.
Với đặc thù là ngành công nghiệp mang tính quốc tế cao, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, trong những năm qua, để thực hiện chủ trương "đi tắt đón đầu" trong phát triển KHCN, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về KHCN với nhiều tổ chức, các đối tác và công ty dầu khí nước ngoài, các viện nghiên cứu và trường đại học của nhiều nước trên thế giới như Nga, Pháp, Mỹ, Đan Mạch, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng là thành viên tích cực của nhiều tổ chức hợp tác quốc tế song phương và đa phương như CCOP, ASCOPE, Hội địa chất dầu khí quốc tế... Thông qua quan hệ hợp tác quốc tế, nhiều công nghệ mới, tiên tiến đã được chuyển giao vào Việt Nam và theo đó đã đào tạo được một lực lượng cán bộ nghiên cứu KHCN có trình độ cao, đồng thời tiết kiệm được chi phí trong khai thác và chế biến dầu khí
|