Nhập siêu 9 tháng đầu năm lên tới 8,6 tỷ USD, trong đó ngoại tệ chi cho nhập khẩu xăng dầu chiếm tỷ lệ không nhỏ. Trong khi, xăng dầu và khí đốt của nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất sản xuất ra lại tồn kho. Nút thắt được nhiều ý kiến cho rằng nằm ở chính cơ chế phân phối không minh bạch.
Tại cuộc họp báo tuần qua, ông Phùng Đình Thực, Tổng giám đốc Petro Vietnam (PVN) cho biết, hiện NMLD Dung Quất tồn kho 75.000 tấn xăng dầu, cộng với số lượng sản xuất, nhập về tính đến cuối năm là 2,1 triệu tấn, trong khi lượng đăng ký mua trong nước là 1,43 triệu tấn. Vì thế lượng tồn kho đến cuối năm nay khoảng 700.000 tấn. Một lý do dẫn đến lượng hàng tồn kho trên được PVN lý giải do công tác dự báo chưa tốt.
Hiện số lượng sản xuất trong nước cao hơn 25% so với dự kiến đầu năm, trong khi nhu cầu lại thấp hơn 10% so với dự báo. PVN đưa ra con số sản xuất thấp bởi năm ngoái, NMLD Dung Quất đang trong quá trình chạy thử, thấp hơn công suất thực tế, hoạt động cầm chừng do nhà thầu hạn chế các hóa phẩm trong quá trình chạy thử. Nay NMLD Dung Quất đã chạy 100% công suất.
Ông Thực cho biết, để giải quyết số lượng tồn trữ này có 4 phương án: kích cầu trong nước; giảm công suất nhà máy và giảm sản lượng sản xuất; giảm lượng nhập; tăng diện tích kho chứa.
"Tăng kho chứa là biện pháp về lâu về dài. Yêu cầu các đầu mối khác giảm lượng nhập cũng khó vì người ta có kế hoạch rồi. Khi đưa ra kế hoạch năm, PVN cũng chưa lường hết được tình hình sản xuất ổn định đến mức độ nào. Yêu cầu nhà thầu sửa chữa nhà máy thật tốt để vận hành 100% công suất nay lại giảm sản xuất trong khi chúng ta vẫn nhập siêu thì thật là không hợp lý", ông Thực nói.
Theo công bố của PVN, các doanh nghiệp tiêu thụ trong nước đăng ký mua của nhà máy lọc dầu Dung Quất 1,43 triệu tấn, trong đó nhà phân phối lớn nhất cả nước là Petrolimex chỉ đăng ký mua 150.000 tấn. Liên quan đến vấn đề này, bà Đàm Thị Huyền, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho biết, do kế hoạch cung cấp xăng dầu của NMLD Dung Quất không ổn định, cộng với chỉ đạo của Chính phủ là phải bình ổn giá nên sản lượng nhập khẩu phải cân đối lớn, thường lên tới 50% nên buộc doanh nghiệp này phải cân đối sớm từ đầu năm. Nay hợp đồng đã ký mà phải hủy để quay sang mua của Dung Quất thì doanh nghiệp phải bồi thường, thiệt hại khá lớn.
Độc quyền phân phối: Nguyên nhân chính
Rõ ràng việc tồn kho của NMLD Dung Quất là một nghịch lý đối với công tác quản lý, điều hành thị trường xăng dầu, bởi ngay cả khi NMLD Dung Quất vận hành 100% công suất thì cũng chỉ đáp ứng được 30% lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước. Hiện nay, các doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng dầu vẫn nhập khẩu từ nước ngoài về là chủ yếu.
Trong số các doanh nghiệp đăng ký mua sản phẩm của NMLD Dung Quất, PV Oil đăng ký 885.000 tấn, Petec đăng ký 395.000 tấn, Petrolimex là 150.000 tấn. Cho đến nay, ngoài PV Oil và Petec là hai đơn vị thuộc PVN được mua xăng dầu trực tiếp từ NMLD Dung Quất thì trong tháng 10 chỉ có Petrolimex do Bộ Công thương can thiệp nên mới được mua trực tiếp. Các đầu mối khác vẫn phải qua PV Oil để tiêu thụ xăng dầu nội.
Theo giới chuyên môn, việc PVN chỉ định PV Oil làm đầu mối phân phối sản phẩm của NMLD Dung Quất, khiến các đầu mối xăng dầu đều "quay lưng". Tại cuộc họp tuần qua của Bộ Công thương, lãnh đạo Bộ này khẳng định, việc PVN giao cho PV Oil làm đầu mối tiêu thụ chính là không công bằng, không mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp khác, do PV Oil có "hoa hồng" tốt hơn, việc mua xăng dầu qua nhiều thủ tục vòng vèo nên các đầu mối khác không mặn mà với việc tiêu thụ sản phẩm của NMLD Dung Quất.
Bộ Công Thương sau đó đã chỉ đạo giao cho Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất) tiêu thụ và chủ động xuất khẩu. Để giảm nhập siêu và duy trì công suất của Nhà máy, Petrolimex được yêu cầu phải tăng gấp đôi mức tiêu thụ xăng dầu từ Dung Quất. Các đầu mối kinh doanh xăng dầu đủ năng lực sẽ tham gia đấu giá xăng dầu từ NMLD Dung Quất theo cơ chế minh bạch từ cuối tháng 10.
Tồn kho xăng dầu của NMLD Dung Quất đã được giải quyết sớm, song câu chuyện này cho thấy xu hướng tổ chức sản xuất và phân phối khép kín mà nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang áp dụng là nguyên nhân khiến cho khu vực này kém linh hoạt và dẫn tới lãng phí ngay trong sự khép kín, độc quyền đó.
|